Vài nét về lịch sử trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức
Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (THKMTĐ) là một trong ba trung tâm đầu tiên áp dụng chương trình Giáo dục Tổng hợp (GDTH) tại Việt Nam. Công cuộc kiểm nghiệm GDTH tại THKMTĐ, tuy chưa hoàn tất, có thể xem như quy mô và hoàn thiện hơn cả. Trường hoạt động từ 1965 (khai giảng lần đầu ngày 11/10/1965) dến 1975 và thu nhận tất cả 11 khóa học sinh. Sau biến cố 1975, Trường dời địa điểm về Sài Gòn, đổi tên thành Trung Học Thực Hành, và cuối cùng bị chính thức giải thể hè năm 1981. Trường Trung Học Thực Hành đã được tái thiết lập năm 1999 và tự xem là hậu thân của THKMTĐ.
Nguồn gốc của THKMTĐ có thể xem như bắt đầu từ Đại hội Giáo dục Toàn quốc lần thứ nhất tại miền Nam năm 1958. Sau Đại hội này, Bộ Giáo Dục bắt đầu dự án xây cất một trường tân tiến, trực thuộc Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (ĐHSPSG), làm một nơi nghiên cứu và cải tổ chương trình giáo dục bậc trung học. Dự án này được bắt đầu tiến hành từ năm 1959. Vì việc chọn lựa địa điểm xây cất THKMTĐ kéo dài, một số ngân khoản dành cho dự án này chuyển sang ngân sách xây cất Kiểu Mẫu Huế và ĐHSP Huế.
Vào khoảng năm 1962, Bộ Giáo Dục đã quyết định xây cất trường THKMTĐ và trường sở mới cho ĐHSPSG trên một ngọn đồi cạnh xa lộ Biên Hoà, thuộc Xã Linh Xuân Thôn, Quận Thủ Đức, Tỉnh Gia Định, cách Sài Gòn 17 cây số (chưa kể 500 mét từ xa lộ đến cổng trường). Ngày khởi công là 26/5/1963 và xây cất hoàn tất ngày 30/3/1964, với ngân khoản gồm 40 triệu đồng (theo thời giá lúc đó) cho xây cất (tài khoá 1963), 7 triệu đồng cho thiết bị (tài khoá 1964) và 6 triệu đồng cho xưởng Công Kỹ nghệ & hàng rào (tài khoá 1965). Tất cả các chi phí này đều do Cơ quan USAID Education đài thọ.
Diện tích xây cất trên 5000 mét vuông và người vẽ kiểu Trường là Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Khôi nguyên La Mã. Trường gồm một đại giảng đường với 1200 chỗ ngồi, một khu văn phòng và hai dãy lầu (B & C) với 30 phòng học, sáu phòng thí nghiệm (lý, hóa và sinh), một thư viện và văn phòng phẩm, một xưởng Công Kỹ nghệ (CKN), ba phòng Doanh thương và tám phòng dành cho Kinh tế Gia đình (KTGĐ). Đến cuối năm 1971 Trường xây thêm một Câu lạc bộ có thể chứa 500 học sinh. Riêng dãy lầu A dành cho ĐHSPSG tuy rằng ĐHSPSG đã không dời lên Thủ Đức như dự tính.
Ngoài ngân khoản xây cất và trang bị, USAID cũng đã tài trợ huấn luyện một số giáo sư THKMTĐ tại Mỹ và cố vấn sư phạm trong việc phát triển các môn hướng nghiệp và tổ chức hành chính tại THKMTĐ. Đại Học Ohio tại Athens đã được USAID chọn làm cố vấn cho ĐHSPSG và trường THKMTĐ. Phái đoàn Cố vấn Ohio gồm Tiến sĩ Raines (Hướng dẫn Khải đạo), Bà Appel (Doanh thương), Tiến sĩ McGinty (Kinh tế Gia đình), Tiến sĩ Pawelek, Ông Sells (Công Kỹ nghệ) và Tiến sĩ Hubler (Tổ chức Hành chính).
Những vị hiệu trưởng của trường gồm có Giáo sư Dương Thiệu Tống (1965−1966, đã mất), Nguyễn Thị Nguyệt (1966−1968, đã mất), Phạm Văn Quảng (1968−1972), Dương Văn Hóa (1972−1974) và Huỳnh Văn Nhì (1974−1975). Huy hiệu nguyên thủy (1965−68) có hình bánh xe và cây bút ở giữa, hai nhánh lúa hai bên, sau cùng đổi thành hai bàn tay nâng bát đèn với ba ngọn lửa. Đoàn ca của trường là Học sinh Hành khúc (Nhạc Lan Đài Nguyễn Kim Đài, Lời Bàn Thạch Dương Thiệu Tống).
Học sinh được chọn vào trường qua một kỳ thi trắc nghiệm. Riêng niên khóa đầu 1965−66 có hai khóa (đệ lục & đệ thất). Mỗi khóa 140 học sinh, chia thành bốn lớp với sĩ số 35, tùy theo nhiệm ý Sinh ngữ I (1 & 2 Pháp văn; 3 & 4 Anh văn). Lên đệ nhị cấp, học sinh ghi danh theo ban A (Khoa học thực nghiệm), B (Khoa học Toán), C (Văn chương), D1 (Doanh thương – Thể thức Văn phòng), D2 (Doanh thương – Kế toán), K1 (Công Kỹ nghệ – Toán) & K2 (Công Kỹ nghệ chuyên biệt). Muốn lên lớp 12, học sinh phải đậu bằng Hoàn tất Mỹ mãn Lớp 11, nhưng từ niên khóa 1972−73, bằng này bị bãi bỏ (tức là từ Khóa 4 trở đi, không thi cuối năm lớp 11). Muốn tốt nghiệp lớp 12, học sinh phải đậu kỳ thi Thành chung Trung học Tổng hợp (từ niên khóa 1972–73 đổi tên thành Tú tài Tổng hợp). Cả hai kỳ thi này đều được tổ chức trong trường và được xem tương đương với văn bằng Tú tài căn cứ trên nghị định của Bộ Giáo Dục. Trong 11 khóa chỉ có năm khóa đầu là học hết lớp 12 và bốn khoá thi tốt nghiệp trong trường.
Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức khác các trung học phổ thông thời đó ở nhiều điểm: trực thuộc ĐHSPSG, trường sở hiện đại, ban giảng huấn hùng hậu, tỷ số học sinh/giáo sư thấp, di chuyển bằng xe buýt, nam nữ học chung, học hai buổi, đồng phục nữ sinh, v.v. Nhưng khác biệt chính yếu là chương trình GDTH.
Người đầu tiên chịu trách nhiệm phát huy chương trình GDTH tại THKMTĐ là Giáo sư Dương Thiệu Tống. Giáo sư Tống đã hoàn tất chương trình GDTH đệ nhất cấp với sự góp ý của ĐHSPSG và Phái đoàn Cố vấn Ohio với sự phê chuẩn của Giáo sư Trần Văn Tấn, Khoa trưởng ĐHSPSG. Sau khi Thầy Tống chuyển về ĐHSPSG, Ban Giám hiệu THKMTĐ tiếp tục hoàn thành chương trình GDTH đệ nhị cấp.
Triết lý của GDTH là giáo dục đại chúng, không loại bỏ học sinh và tìm cách cực đại hóa “vốn con người” của từng học sinh. Chủ đích của GDTH do đó là thực hiện giáo dục (1) tổng quát cho mọi học sinh hầu học sinh có thể trở thành công dân tốt khi ra đời, (2) hướng nghiệp giúp cho một số học sinh có cơ hội phát triển năng khiếu cá nhân, tài khéo thực dụng để có thể chuẩn bị nghề nghiệp khi không thể tiếp tục học lên cao, và (3) hướng học giúp cho một số học sinh chuẩn bị cho con đường hậu trung học trong cũng như ngoài nước. Các môn huớng nghiệp gồm có Canh nông, Doanh thương, Công Kỹ nghệ & Kinh tế Gia đình. Giáo trình các môn hướng học như Việt văn, Sinh ngữ, Kiến thức Xã hội (Sử, Địa), Toán, Lý hoá, Vạn vật, v.v… cũng khác và có nhiều cải tiến so với chương trình phổ thông cùng thời. Lối giảng dậy toàn diện nhấn mạnh thuyết trình, thảo luận, thính thị, thí nghiệm, du khảo. Khảo sát theo lối trắc nghiệm, thi cử được xếp hạng theo phương pháp thống kê. Lối học hiểu, tự tra cứu, làm việc chung và lối suy nghĩ độc lập, phê phán, sáng tạo được khuyến khích. Giáo dục Tổng hợp cũng nhấn mạnh sinh hoạt hiệu đoàn, trại huấn luyện và hướng dẫn khải đạo (cá nhân, khóa, v.v) góp phần làm gạch nối giữa học đường và gia đình/xã hội.
Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đã gặp nhiều khó khăn trong hoạt động như (a) không có ngân sách cho điện và nước, (b) phương tiện vật chất của trường như thư viện, phòng thí nghiệm, xe buýt, v.v… xuống cấp qua thời gian mà không có ngân sách tu bổ, sửa chữa, (c) giá xăng lên cao làm di chuyển rất tốn kém, và (d) vấn đề thiếu thốn nhân sự, nhất là giáo sư, có lúc trầm trọng đến nỗi báo chí đã phải lên tiếng. Tuy nhiên, nhờ vào các hy sinh và cố gắng của toàn thể giáo sư, nhân viên và cha mẹ học sinh, trường đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.
Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đã đóng vai trò tiền phong trong việc cải tổ trung học tại Việt Nam. Trong năm 1969, mô hình GDTH THKMTĐ lan truyền đến 12 trường trung học dẫn đạo trên khắp miền Nam. Vào cuối năm 1971, Bộ Giáo Dục ban hành chính sách theo đó các môn Doanh thương, Canh nông, Công Kỹ nghệ & Kinh tế Gia đình tại THKMTĐ được dùng làm căn bản cho các môn hướng nghiệp trong chương trình tổng hợp toàn miền Nam. Đến năm 1972, Bộ Giáo Dục quyết định áp dụng chương trình GDTH cho một số lớn trường trung học với danh xưng trường Trung học Tổng hợp. Tuy nhiên, kế hoạch cải cách này đã chấm dứt đột ngột tháng Tư năm 1975.
Sau năm 1975, các học sinh Khóa 5 học nội trú trong trường chờ ngày thi chung với học sinh trung học phổ thông khác. Bắt đầu niên khóa 1975−76, trường dời về Trung tâm Sinh ngữ (góc đường Cộng Hòa và Thành Thái cũ), đổi tên thành Trung Học Thực Hành và chuyển sang chương trình trung học phổ thông. Từ niên khóa 1976−77 cho đến khi bị giải thể (hè 1981), trường dời về một góc của trường Đại Học Vạn Hạnh (lúc đó là Cơ sở 2 của ĐHSP TP HCM).
Khuôn viên của THKMTĐ đã được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, hiện nay là Đại Học Thể dục Thể thao TP HCM.
Qua bao thăng trầm, sinh hoạt THKMTĐ trên toàn thế giới hiện nay rất mạnh và đa dạng. Tại Việt Nam, các buổi họp nhóm tại Thanh Đa nay đã trở thành ngày họp mặt truyền thống 11/10. Nhờ vào internet, hoạt động KMTĐ trong và ngoài Việt Nam cũng rất sôi nổi: thành lập trang web, diễn đàn, tìm trẻ lạc, tổ chức họp mặt, gây quỹ tương trợ, quỹ khuyến học và học bổng, làm đặc san, vv…
Xin kính dâng lòng biết ơn đến tất cả các vị đã đóng góp vào công trình thành lập và phát triển trường THKMTĐ.
Sydney, 6/9/2015
Trần Nam Bình (Thất 4/B2, Khoá 2)